1. SỰ TÍCH NÀNG Ả:
Tại động Quy hóa, Châu bồ chính có vị tôi trưởng là Hùng Hiền dòng dõi vua Hùng, vợ ông là bà Mai Thị Triết gần 50 tuổi họ mới sinh được một gái, trên đỉnh đầu có chữ Thiên Sớ Lữ Nương. Hùng Hiền liền đặt tên con là Lữ, hiệu là Nàng Ả.
Nàng Ả lớn lên văn võ toàn tài, thay cha làm Tôn trưởng, rồi làm vua Cõi Thiên Sớ. Một lần về thăm quê tổ ở núi Nghĩa Lĩnh, thuyên đi đến Chu Diên thì gặp Bà Trưng Nhị và nhận ra họ hàng. Thế là, Nàng Ả theo Bà Trưng khởi nghĩa, Nàng ả đóng quân ở Diệp Thôn, chiêu mộ dẫn binh và đánh quân Tô Định.
2. SỰ TÍCH NÀNG LÃ VÀ NÀNG MỴ
Hai người con thứ 48 của Lạc Long Quân làm vua ở nước Thiên Sớ. Truyền đến đời thứ 27 là Hồ An (đổi từ Hùng ra Hồ), vợ của Hồ An là Bạch Thị Phương sinh được hai người con gái tên là Hồ Để, Hồ Nhị. Hồ Để thay cha làm Quốc vương. Lúc đó Hai Bà Trưng bị Tô Định truy bắt nên hai Bà phải lánh nạn ở nhà của hai chị em Hồ Để, Hồ Nhị Hai Bà Hồ Để và Hồ Nhị phò Hai Bà Trưng tập kết binh sĩ đánh đuổi được quân Tô Định. Khởi nghĩa thắng lợi, Nàng Để đổi tên là Lã Nương, Nàng Nhị đổi tên là Mị Nương Lập cung phủ ở phủ Đông Cao. Sau khi lập phủ và mở tiệc khao quân xong hai bà Lã Nương và Mỵ Nương thúc ngựa ra sông Nguyệt Đức ở bến Tiêu Tân thét lên một tiếng, nước sông rẽ đôi đón hai Bà về Thủy cung.
(Sưu tầm của Hội sử học Hội văn nghệ dân gian qua tờ khai của địa phương gửi Thống sứ Bắc Kỳ năm 1938)
LỊCH SỬ XÂY DỰNG ĐỀN THẠCH ĐÀ
Về lịch sử xây dựng Đền, theo lời truyền của nhân dân và tài liệu hiện có thì Đền Thạch Đà có từ đầu Công nguyên khi ba vị là Nàng Ả, Nàng Lã và Mỵ Nương qua đời, lúc đầu đền nhỏ, lợp lá gồi sau dần dần dân làng mở to thêm ra. Đến đầu thế kỷ 19 thì mở rộng nhất, Đền gần ba tòa (nay vẫn còn móng). Khi thực dân Pháp xâm lược, chúng đóng bốt cách Đền 500 m. Từ năm 1952 – 1954 phong trào kháng chiến phát triển thì Đền Thạch Đà là căn cứ của chiến khu D, là nơi du kích và bộ đội đóng quân đánh địch. Tháng 2 năm 1954 giặc Pháp cho máy bay ném bom đốt cháy ngôi đền thành than bụi chỉ còn lại 2 cây gạo 3-4 trăm năm tuổi và một số đồ thờ dân làng cất giấu còn lại. Năm 1956 các cụ trong làng bảo nhau mua nhà gỗ cổ 5 gian làm lại đền. Năm 1978 dỡ đi làm trụ sở UBND xã, đến năm 1990 nhân dân lại quyên góp xây đền gồm 5 gian: 3 trái Tiền tế, 2 gian hậu cung, vật liệu tường gạch, hoành, xà, kèo tre, lợp ngói sông cầu. Do thời gian làm đã lâu, qui mô, kiến trúc đã xuống cấp đền không còn giữ được kiến trúc nghệ thuật cổ dân gian.
Căn cứ vào pháp lý bảo vệ, sử dụng di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh của Nhà nước và chỉ thị số 20 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc. Đền Thạch Đà được UBND tỉnh Vĩnh Phúc quyết định phê duyệt di tích lịch sử văn hóa Đền Thạch Đà cấp tỉnh tại quyết định số số 3248/QĐ-UBND ngày 15/09/2004 của UBND Tỉnh Vĩnh Phúc
Với tấm lòng sâu nặng nghĩa tình Đại tướng Phùng Quang Thanh cùng với ông Dương Công Minh Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Him Lam, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Bưu Điện Liên Việt đã đầu tư xây tặng toàn bộ công trình Đền Thạch Đà
Khởi công xây dựng ngày : 24/6/2012
Khánh thành ngày : 02/9/2013.